Món nhộng ve mới chỉ xuất hiện ở Côn Sơn -Hải Dương cách đây 3 năm mà nay đã có ở hầu hết các quán ăn, nhà hàng ở thị xã Chí Linh.
Khi nghe chúng tôi hỏi về món nhộng ve sầu, một người quen giới thiệu tới nhà hàng Diễm Hội nằm gần bãi xe số 2 của di tích Côn Sơn. Chủ nhà hàng là anh Đặng Trần Kiên vui vẻ: “Đó là một trong món đặc sản của nhà hàng mà khi khách quen về đây đều muốn thưởng thức. Lúc đầu, thấy người dân trong vùng bắt nhộng ve về ăn, tôi thấy lạ nên cũng mua về chế biến ăn thử. Sau khi ăn thấy món nhộng ve ngon, giàu đạm, bổ dưỡng không kém nhộng ong, tôi đã đưa món ăn này vào thực đơn của nhà hàng”.
Theo anh Kiên, lúc đầu khách e ngại, sau được nhà hàng giới thiệu ăn thử đều trầm trồ khen. Có người “nghiện”, hễ về Côn Sơn lại ra nhà hàng ăn nhộng ve. Người nọ truyền người kia, khách đến thưởng thức món nhộng ve của nhà hàng ngày một nhiều. Có người sau khi ăn xong còn mua về làm quà.
“Trăm nghe không bằng một thấy”, anh Kiên và vợ vào bếp chuẩn bị nguyên liệu để chế biến cho chúng tôi xem món ăn đã “chinh phục” không ít thực khách. Một túi nhộng ve được lấy ra ngâm vào nước ấm. Trong lúc chờ cho nhộng ve mềm ra, chị Hằng, vợ anh Kiên đi dập hành khô, sả. Sau khi phi hành mỡ dậy mùi, chị Hằng cho nhộng ve đã để ráo nước và sả vào chảo đảo nhanh tay.
Chị Hằng cho biết: “Nhộng ve thường được chiên với hành, sả. Cách chế biến không cầu kỳ nhưng yêu cầu người đứng bếp phải đều tay. Khi nhộng đã thơm dậy mùi thì nêm mắm, muối, mì chính sao cho vừa rồi đảo tiếp cho đến lúc nhộng có màu vàng”.
Nhộng ve sầu chủ yếu được chiên với hành, sả rồi được dùng với lá lốt và tương bần
Trong lúc chị Hằng bày món nhộng ve đã chiên xong ra đĩa, anh Kiên mang tới bát tương chế gừng, ớt và một đĩa lá lốt, bảo: “Thưởng thức nhộng ve không thể thiếu hai món này. Cái lạ, cái ngon của nhộng ve là khi được quấn lá lốt, chấm tương bần”.
Chẳng lời giới thiệu nào thuyết phục hơn khi chúng tôi được thưởng thức món ăn. Vị béo bùi, thơm ngậy của nhộng ve, vị đặc trưng của hành, sả, lá lốt hòa quyện vị đậm của tương bần lan tỏa nơi đầu lưỡi. Nhai một lần thấy lạ lẫm, càng nhai càng đậm đà. Chẳng trách món dân dã này lại chinh phục được bao thực khách.
Theo anh Kiên, bí quyết thành công của món nhộng ve nằm ở khâu chế biến. Anh tự hào, mặc dù các quán trong khu vực Côn Sơn đều có bán món này song để thưởng thức khách thường tìm đến quán anh. Trung bình mỗi ngày anh bán từ 5-7 đĩa nhộng ve.
Để có nhộng ve phục vụ khách quanh năm, anh phải đặt mua của các hộ dân trong vùng hoặc mua lại của các quán khác với giá khoảng 400-500 nghìn đồng/kg, những lúc cao điểm tới 700 nghìn đồng/kg. Mặc dù giá cao "ngất ngưởng" như vậy, anh vẫn đang lo ra giêng sẽ không còn nhộng ve để phục vụ khách. Hiện trong tủ nhà hàng cũng chỉ còn 9 đĩa. Số này đã được khách dưới Hải Phòng gọi điện đặt trước.
Cũng theo anh Kiên, hiện tại nhà hàng đã giới thiệu món ăn này lên chi nhánh ở Bắc Giang và Hà Nội. Năm 2011, Đài Truyền hình Việt Nam đã từng nhờ nhà hàng làm món nhộng ve để làm phim cho chương trình ẩm thực.
Theo sự giới thiệu của anh Kiên, chúng tôi tìm gặp chị Mạc Thị Nguyệt, một người dân khu dân cư Tiên Sơn (phường Cộng Hòa, Chí Linh) từng bắt nhộng ve để bán.
Chị Nguyệt cho biết: Nhộng ve thường chui từ dưới đất lên từ chập tối cho đến 8 giờ đêm nên muốn bắt cũng phải lên rừng tầm đó. Khi chui khỏi mặt đất, nhộng đã có đủ hình hài nhưng chưa có cánh. Nhộng ve bò lên cây thì cánh cũng mọc dần ra. Khi đi bắt soi đèn pin quanh các gốc cây, thấy nhộng ve thì bắt bỏ vào chậu hoặc ca nước để nhộng không còn tiếp tục lột được. Sau khi bắt về sẽ sơ chế bằng cách cắt bỏ chân, chần qua nước ấm cho hết mùi tanh rồi đóng túi bỏ vào cất giữ trong tủ lạnh. Trung bình mỗi buổi tối, một người có thể bắt được khoảng 2-5 lạng. Mùa hè năm 2012, tôi bắt được khoảng 10 kg, bán từ 400-500 nghìn đồng/kg, được gần 4 triệu đồng. Trong khu, có nhà đông người đi bắt, một vụ thu về ngót chục triệu đồng.
Theo Nguyên Dã (Hải Dương Online)
Comments[ 0 ]
Post a Comment