Vàng và BĐS vốn là hai lĩnh vực được nhiều người quan tâm, bởi đó là một cách đầu cơ, tích trữ cũng như biện pháp tiết kiệm tài sản của người dân. Tuy nhiên, với việc BĐS đang đóng băng, thị trường vàng được Nhà nước can thiệp thông qua các phiên đấu thầu và giá đang ngày một giảm theo đà thế giới; thì người dân nên tiết kiệm bằng cách nào để bảo toàn tài sản?Có tiền nhưng không biết làm gì
Trong khi nhiều gia đình đang rơi vào tình trạng túng thiếu do sự khó khăn của nền kinh tế, thì vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương (Đống Đa - Hà Nội) mỗi tháng vẫn có một khoản tiền tiết kiệm nhờ công việc ổn định, chi tiêu sinh hoạt hợp lý.
"Trước đây, cứ mỗi tháng tiết kiệm được ít tiền là tôi lại mang đi mua vàng để tích trữ. Mỗi lần 1 - 2 chỉ, nhưng sau nhiều năm cũng được chục cây. Dạo trước giá vàng vẫn ổn định, lên xuống không đáng kể nên nếu biết lựa thì còn lãi ra. Nhưng gần đây, thị trường vàng lên xuống bất thường quá, Nhà nước lại can thiệp giá nên càng giảm thê thảm. Mấy hôm trước tôi phải mang đi bán, vì sợ cứ đà này lại lỗ vốn chẳng chơi. Nhưng bán rồi cầm tiền về thì lại chẳng biết phải làm để tiết kiệm mà vẫn đảm bảo tài sản" - Chị Phương tâm sự.
|
BĐS đóng băng, giá vàng giảm giá đột biến nên mặc dù có tiền nhưng người dân lại không biết đầu tư vào lĩnh vực gì để vừa bảo toàn vốn, vừa có lãi? |
Cũng theo chị Phương, với số tiền mặt hơn 400 triệu từ việc bán vàng, chị định để đầu tư kinh doanh, nhưng ngẫm nghĩ kỹ, thấy thời buổi khó khăn, làm gì cũng chết nên chị lại không dám.
"Tôi cũng định gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi. Nhưng Nhà nước lại vừa hạ lãi suất tiền gửi xuống 7,5%. Hơn nữa với tình hình này thì gửi tiền Ngân hàng chưa chắc đã an toàn, vì tôi đọc báo thấy ở đảo Síp ngân hàng vừa mới sụp đổ, người dân mất rất nhiều tiền. Vợ chồng tôi tiết kiệm mãi mới có được một khoản mà mất thì biết trông cậy vào gì."
Một số người bạn của chị Phương cũng hiến kế, nên thêm ít tiền để đầu tư vào BĐS, vì giá thành đang rẻ, nhưng...
"Người ta đang muốn bán tháo đi còn không được, mình lại vơ vào. Mà có 400 triệu, cố gắng vay mượn thì cũng chỉ mua được 1 căn chung cư, hoặc một ít đất ngoại thành. Mua rồi để đấy chục năm nữa biết thế nào? Tiền thì càng lúc càng mất giá, có khi lúc đấy lãi đâu chẳng thấy, bán không bán được lại còn thê thảm hơn" - Chị Phương phân tích.
Cùng chung hoàn cảnh với chị Phương, vợ chồng anh Đào Đức Thịnh (Phương Mai - Hà Nội) vừa được thừa kế khoản tiền 500 triệu từ cha mẹ.
"Tiền thì đang nằm trong sổ tiết kiệm gửi ngân hàng. Nhưng sang tháng sau là hết kỳ hạn, nên tôi đang muốn rút ra. Vì lãi suất rất thấp, không đáng bao nhiêu cả. Tôi đang định lấy tiền đó để mở một cửa hàng bán đồ ăn nhanh, nhưng vợ tôi phản đối vì chưa buôn bán bao giờ. Hai vợ chồng lại có công việc ổn định nên không thể quán xuyến hết, mà bỏ việc để đi bán hàng ăn thì lại càng dở hơi. Suy đi tính lại thì định mua vàng vì giá vàng đang xuống. Nhưng mua rồi lỡ nó càng xuống thì càng lỗ hơn. Rút cuộc là chẳng biết phải làm cái gì để vừa tiết kiệm, vừa có tiền lãi mà số tiền của mình vẫn được bảo toàn." - Anh Thịnh chia sẻ.
Đầu tư vào lĩnh vực nào để bảo toàn vốn và có lãi?
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, lãi suất tiết kiệm giảm sẽ giúp tăng lượng vốn vào sản xuất, thông qua lãi suất cho vay giảm hơn, nhà đầu tư, người dân có tiền nhàn rỗi sẽ tham gia bỏ vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Tất nhiên sẽ vẫn có nhiều người gửi tiền tiết kiệm vì mục tiêu bảo toàn vốn. Chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn nhưng không phải ai cũng thành công. Thị trường này không dành cho những người thích an toàn.
Chính vì vậy, dự báo sẽ có những nhà đầu tư trước đây gửi tiền ngân hàng được hưởng lãi suất 14-15%/ năm, nay sẽ rút ra để tìm kênh đầu tư lợi nhuận tốt hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đó có thể là thị trường bất động sản, hoặc tham gia góp vốn, hùn vốn để mở rộng, thành lập mới những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng có thị trường tiêu thụ rộng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, "BĐS đang chết thì người dân không nên mua. Hoặc nếu cần mua để ở thì trước khi mua cũng nên xem xét, tham khảo mức giá cho phù hợp với khả năng chi trả và tình hình tài chính của mình. Còn giá BĐS mà 50 - 60 - 70 triệu/m2 thì làm sao mà phù hợp được. Nhất là khi thị trường BĐS hiện nay toàn là giá ảo, nên cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi bỏ tiền vào BĐS.
Còn đầu cơ vào vàng thì giống như đánh bạc vậy. Hôm nay nó lên, ngày mai nó xuống. Đây không phải là hoạt động để người dân đầu tư nghiêm túc. Nếu lựa chọn mua vàng để trốn giông bão, lũ lụt làm thiệt hại giá trị của đồng tiền là một việc. Nhưng không nên mua vàng để tính giá lên, giá xuống rồi mua đi bán lại sinh lời. Bởi đây không phải là một hoạt động đầu tư làm ra sản phẩm, tạo ra công ăn việc làm và sinh lợi cho quốc gia.
Tóm lại là chúng ta cần phải biết thực sự chúng ta cần gì và muốn làm gì? Muốn đầu cơ hay muốn nghiêm túc để đầu tư thì mới tìm ra được giải pháp phù hợp" - Chuyên gia Thành cho biết.
Đặc biệt, ông Thành cũng khuyến cáo người dân không nên dùng tiền để làm những việc mà mình không biết rõ.
"Không nên nghe người này, người kia đến tán tỉnh, khuyến mãi này nọ rồi bỏ tiền vào vì như vậy người ta chỉ kiếm lợi cho người ta thôi, chứ không lợi ích gì cho mình. Không phải cứ có một ông chuyên gia nhảy vào khuyên nên làm cái này, làm cái kia thì lao theo. Phải thật thận trọng, xem xét kỹ những gì mình biết làm, những gì mình không biết để không bị người khác xúi gạt."
Cũng theo ông Thành, nếu như người dân có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và muốn đầu tư vào kinh doanh, sản xuất, cảm thấy mình làm được, có lời thì nên mạnh dạn để đầu tư.
"Còn nếu cảm thấy mình không thể làm ra lợi nhuận mười mấy phần trăm, hoặc không chắn chắn thì gửi tiền vào ngân hàng cũng là một cách để đảm bảo tiền tiết kiệm mà vẫn có lời. Vậy nên tôi đặc biệt nhấn mạnh là người dân cần phải thực sự biết mình muốn gì, hiểu gì, có kiến thức trong lĩnh vực nào sau đó hãy đầu tư. Còn với một việc mà mình không biết rõ thì tốt nhât là không nên nghe người khác xúi giục để rồi mất mát" - Ông Thành khuyến cáo.
Comments[ 0 ]
Post a Comment