Chỉ vì một phút không kiềm chế được bản thân, Nguyễn Phú Nguyên (SN 1994) ở xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã ra tay sát hại cha, để lại nỗi day dứt khôn nguôi cho người thân. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên lại xuất phát từ lỗi của nạn nhân.
Mẹ đừng khóc nữa… Ngày 19/6, TAND thành phố Hà Nội xét xử vụ án giết người trong trạng thái thần kinh bị kích động mạnh. Bị cáo là Nguyễn Phú Nguyên, nạn nhân là ông nguyễn Phú B., cha đẻ của bị cáo. Ngồi ở hàng ghế cuối cùng tại phòng xử án là một người đàn bà gầy gò với vẻ mặt đau khổ. Bà không dám nhìn ai, thỉnh thoảng lại đưa tay lên gạt vội những giọt nước mắt đắng đót trên khuôn mặt tiều tụy. Bà chính là mẹ của bị cáo và là vợ của nạn nhân.
Phiên tòa diễn ra khá im lặng, chỉ có những giọt nước mắt rơi ai oán vì họ là những người thân của cả nạn nhân và bị cáo.
Khi vị chủ tọa phiên tòa đề nghị vị đại diện VKS đọc bản luận tội, một lần nữa diễn biến đau lòng được nhắc lại khiến những người thân của hai họ và những người tham dự phiên tòa không khỏi xót xa.
Ngày 14/2/2012, ông Nguyễn Phú B. đi uống rượu về thấy bà Nguyễn Thị K. (vợ ông B.) đang nấu cơm, ông B. chửi “hôm nay tao cho mày chết”. Sau đó, ông B. đóng cửa lấy điếu cày tre dài 60cm đánh đuổi bà K., lúc này Nguyễn Phú Nguyên, con trai út của bà K. vừa đi làm về thấy bố đang đánh chửi mẹ mình nhưng không dám nói câu gì chỉ lẳng lặng vào nhà bê nồi cơm ra ăn. Nhìn thấy Nguyên đi làm về, ông B. quay ra chửi Nguyên và đe dọa sẽ gọi Nguyên lên xã. Nguyên trả lời: “Con đi làm về lấy cơm ra ăn sao bố phải gọi con lên xã”.
Nguyên vừa dứt lời, ông B. cầm nồi cơm ném ra ngoài hè và đập bát không cho ăn. Thấy ông B. như vậy, bà K. lên tiếng: “sao nó đi làm về lại không cho nó ăn?”. Ông B. liền cầm điếu cày vụt đuổi đánh bà K.. Thấy vậy, Nguyên chạy theo ôm và kéo ông B. lên hè. Ông B. cầm điếu cày vụt tới tấp vào người Nguyên, Nguyên đưa tay lên đỡ và giằng điếu cày đập vào đầu ông B. Ông B. tiếp tục lao vào đánh Nguyên, Nguyên đập một cái ngang chán ông B. làm ông này ngã xuống hè. Hậu quả, ông B. chết trên đường cấp cứu. Ngày 20/12/2012, Nguyên đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Khi vị chủ tọa mời bà K. đứng dậy, bà đưa tay lên túm lấy vạt áo đã cũ nhàu, toàn thân run lên. Chứng kiến cảnh ấy, tôi có cảm giác bà sẽ ngã gục bất cứ lúc nào nếu không có cô con gái thứ hai đứng bên cạnh. Mọi người trong nhà nhìn nhau không ai nói được lời nào, vị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở mọi người trả lời HĐXX những nguyên nhân đau lòng gây ra vụ việc trên.
Bà K. lí nhí: “Tôi mất chồng. Những đứa con tôi mất cha. Tôi không có yêu cầu gì, chỉ mong tòa giảm hình phạt cho cháu để cháu sớm được trở về đoàn tụ với gia đình và đi làm giúp đỡ tôi. Cũng chỉ vì ông ấy ngày nào cũng uống rượu say rồi chửi đánh tôi, nhiều lần ông ấy còn đuổi tôi ra khỏi nhà. Để giữ yên ấm trong gia đình tôi phải đi làm thuê làm mướn để tránh những trận đòn của ông ấy…”. Nói xong, bà K. bật khóc nức nở. Sau vành móng ngựa, bị cáo Nguyên quay lại nhìn mẹ trong nước mắt: “Mẹ đừng khóc nữa...”.
Tuổi thơ nghèo túng Sinh trưởng trong gia đình có 3 anh chị em, Nguyên là con trai út. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Nguyên phải bỏ học từ năm lớp 6 để đi làm thuê cùng cha. Đáng nhẽ trong điều kiện ấy, ông B. phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái, trái lại ông lao vào rượu chè, thường xuyên chửi mắng đánh đập vợ con khiến không khí gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn. Chị gái của Nguyên nghẹn ngào cho biết: “Em Nguyên rất hiền lành, chịu khó làm ăn, bởi nhà em rất nghèo, nó thương mẹ em lắm. Hằng ngày, nó đi làm mộc vất vả lắm, đã vậy bố em cứ chửi mắng vô cớ. Nhiều khi chúng em phải nhịn cho yên ấm cửa nhà”.
Khi bị cáo được nói lời sau cùng, Nguyên rưng rưng: “Bị cáo nhận thấy hành vi của mình là sai trái. Không hiểu sao lúc đó bị cáo lại có thể hành động như vậy, chỉ mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo còn giúp đỡ mẹ vì mẹ bị cáo đã khổ nhiều rồi”.
Trao đổi với PV
báo ĐS&PL, ông Đỗ Minh Tuấn, Viện KSND TP.Hà Nội), người thực hiện quyền công tố tại phiên tòa này cho hay: “Do bị dồn nén đến bước đường cùng nên bị cáo đã phạm tội trong trạng thái bức xúc. Bị cáo sinh trưởng trong gia đình có cha là người không gương mẫu, suốt ngày bê tha say xỉn, luôn có bạo lực đối với mẹ bị cáo. Mặt khác, sau khi gây án, bị cáo đã ra đầu thú và khai báo thành khẩn nên bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, xét về góc độ pháp lý, nhằm đảm bảo tính giáo dục và răn đe tội phạm, bị cáo vẫn phải chịu sự trừng trị của pháp luật với bản án 3 năm tù giam”.
Theo L.L ( Pháp Luật & Đời Sống)
Comments[ 0 ]
Post a Comment