Với giá cả triệu đồng một ký, tôm hùm thường chỉ có ở những nhà hàng lớn. Vậy mà gần đây, tôm hùm được bày bán tận các vỉa hè với giá khá hời. Nhiều người ham rẻ vẫn mua về ăn bất chấp loại hải sản này có an toàn hay không.
Người bán đang thực hiện các thao tác làm tôm hùm “tươi” trở lại.
Nguồn gốc vô chừng
Những con tôm không hiểu sao vẫn còn xanh cả vỏ, mướt rượt, nặng cả ký được bày bán trên những xe đẩy, hoặc trong các chậu nước có sục hệ thống sủi bọt dọc vỉa hè xa lộ Hà Nội khu vực cầu Rạch Chiếc, quận 2; đường qua cầu Kinh – Thanh Đa; hay đoạn Điện Biên Phủ hướng về Bình Thạnh...
Bên cạnh tôm, còn có thêm cua, ghẹ, ngao, hàu. Hỏi những người bán hàng mấy loại này lấy từ đâu về, họ chỉ đại khái “tôm hùm ở ngoài Trung vô, cua thì từ Cà Mau, còn ghẹ, hàu ở Cần Giờ lên”.
Cua, ghẹ thì người bán khẳng định còn sống, mới vận chuyển từ nơi đánh bắt về. Còn tôm hùm thì họ ỡm ờ bảo loại tôm này bị sốc nước nhưng vẫn đảm bảo còn tươi xanh. Tôm vỏ còn xanh giá chừng 400.000 - 500.000 đồng một ký, nếu đã ngả màu, thậm chí chảy nhớt thì chỉ còn 150.000 đồng. Giá quá hời nên những xe hải sản lề đường này thu hút nhiều người ghé mua. “Mấy khi được ăn tôm hùm, gặp được vài bận tôm chết giá rẻ như vậy, bỏ qua uổng lắm, ăn có nhiều nhặn gì đâu mà sợ chết chứ”, một khách hàng ghé mua tôm ở khu vực cầu Kinh - Bình Thạnh, hào hứng chia sẻ.
Ham rẻ sinh bệnh
ThS. Trần Trọng Vũ, giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm, đại học Công nghệ Sài Gòn, cho biết: “Hải sản không được bảo quản đúng cách sẽ bị hư hỏng. Sự hư hỏng có thể đến từ hai nguyên nhân chính: một là sự tự phân huỷ của hải sản do chính hệ enzyme của nó, hai là sự phát triển của các vi sinh vật. Các vi sinh vật này bao gồm vi sinh vật gây hư hỏng và vi sinh vật gây bệnh, chúng chủ yếu xuất phát từ nội tạng và một phần từ môi trường đánh bắt bám trên bề mặt da. Vi sinh vật gây bệnh chia làm hai nhóm: nhóm sinh độc tố và nhóm gây bệnh. Nhóm vi sinh vật gây độc tố có nhiều loại nhưng rất nguy hiểm là Clostridium Botulinum. Nhóm vi sinh vật gây bệnh gồm nhiều loại, trong đó có Vibrio parahaemolyticus là vi khuẩn gây bệnh tả”.
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM bổ sung, khi thấy phần vỏ vùng đầu của tôm hùm bị đổi màu thì có nghĩa tôm đã bị ôi, hỏng, không nên ham rẻ mua về chế biến. Hơn nữa, một số loại tôm hùm nếu sống ở vùng nước bị ô nhiễm sẽ chứa kim loại độc hại, ăn vào có thể ngộ độc.
Cách chọn thuỷ, hải sản
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những loại tôm, cua đã chết do sốc nước, do bệnh sẽ được người bán phù phép tươi trở lại bằng cách ướp urê hoặc formaldehyde để giúp hải sản giữ màu sắc tươi lâu, thậm chí cả tháng! ThS Trần Trọng Vũ phân tích mức độ độc hại của hai chất này như sau: formaldehyde là một chất độc, vào cơ thể chúng được oxy hoá thành formate và khí CO2 thông qua nhiều phản ứng, ngoài ra có một phần không phân huỷ mà phản ứng với các hợp chất trong tế bào như protein hay DNA gây nguy cơ ung thư mũi họng. Còn urê dùng để ướp thuỷ hải sản đều là phân bón, có thể chứa các thành phần nguy hiểm như kim loại nặng gây ngộ độc cho con người. Bản thân urê cũng là một sản phẩm thải của quá trình phân giải các hợp chất chứa nitơ trong cơ thể.
BS Diệp lưu ý, thuỷ sản có dấu hiệu hư hỏng luôn có mùi rất đặc trưng mà người tiêu dùng quen gọi là mùi ươn, nếu người tiêu dùng kiểm tra kỹ sẽ dễ phát hiện dù cho chúng đã được xử lý để giảm bớt mùi. Ngoài ra, thuỷ sản đã có dấu hiệu hư hỏng thì mô thịt thường nhão hơn nguyên liệu tươi, nếu nó có được xử lý cách nào cho cứng trở lại thì cũng không tự nhiên. Để an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua thuỷ hải sản ở những nơi có uy tín và đừng tham giá rẻ, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào thì tốt nhất là không mua. Còn với các loại cua ghẹ đã chết, vấn đề quan trọng là chúng có được bảo quản đúng cách từ lúc chết hay không. Vì cua ghẹ chết trong vài giờ nếu được xử lý, làm sạch, cấp đông và bảo quản lạnh đúng cách thì có thể sử dụng cả tháng. Đó là những lời khuyên ThS Vũ gửi đến người tiêu dùng, các bà nội trợ.
Theo Nguyên Cao
Sài Gòn tiếp thị
Comments[ 0 ]
Post a Comment